3 cách để dành tiền về hưu đơn giản và dễ áp dụng nhất hiện nay

1/ Gửi tiết kiệm ngân hàng

Gửi tiết kiệm ngân hàng là cách để dành tiền về hưu rất dễ thực hiện và được khá nhiều người áp dụng hiện nay. Gửi tiết kiệm không yêu cầu nhiều thủ tục rườm rà và các hình thức xác minh khó khăn. Cũng không yêu cầu khách hàng có nhiều tiền hay phải am hiểu kiến thức kinh doanh. Khách hàng chỉ cần có chứng minh thư hoặc giấy tờ chứng minh nhân thân và số tiền phù hợp là có thể gửi được. Lãi suất hiện nay được đánh giá là tương đối cao khi gửi thời hạn trên 12 tháng và bạn có thể gửi theo nhiều kỳ hạn dài ngắn khác nhau. Cách tiết kiệm này rất linh hoạt về số tiền gửi chỉ từ 500 nghìn hay 1 triệu trở lên và các kỳ hạn tùy chọn nên ai cũng có thể áp dụng, vừa an toàn lại được hưởng lãi đều đặn.

Với kế hoạch dành dụm một khoản khi về hưu, khách hàng có thể chọn kỳ hạn dài như 12, 24 tháng hoặc 36, 48 tháng và tối đa là 60 tháng. Số tiền gửi đều hàng kỳ có thể được gộp vào khoản gửi cũ hoặc tách riêng một sổ mới. Bất cứ lúc nào có nhu cầu, bạn có thể dễ dàng rút về số tiền gốc cùng tiền lãi. Tuy nhiên, nhược điểm là không được gửi quá lâu cho đến tuổi nghỉ hưu, nhưng bạn có thể khắc phục tình trạng này bằng cách tự động đáo hạn sổ tiết kiệm theo kỳ hạn ban đầu. 

2/ Tham gia bảo hiểm xã hội

Bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng đi làm hưởng lương chính là cách Nhà nước giúp người lao động có nguồn thu nhập thay thế khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc lúc về hưu. Đây là chính sách của Nhà nước nên người lao động chỉ phải đóng một phần trừ vào lương hàng tháng, phần còn lại người sử dụng lao động đóng, nhưng vẫn được hưởng trọn vẹn các chế độ của bảo hiểm xã hội.

Theo đó khi bạn đi làm hưởng lương bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội với mức đóng 10,5% trên mức lương cơ sở đóng bảo hiểm xã hội và công ty đóng 23,5%. Trong quá trình tham gia bạn được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức chi trả dựa trên mức lương đóng bảo hiểm (Chi tiết được quy định trong Luật bảo hiểm xã hội) cộng với thời gian nghỉ tương ứng.

Bên cạnh đó khi đến tuổi nghỉ hưu 55 tuổi với nữ, 60 tuổi với nam với điều kiện đóng bảo hiểm từ 25 đến 30 năm (trừ một số trường hợp đặc biệt đóng 20 năm) sẽ được nhận mức lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Sau đó cứ thêm mỗi năm, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

Với những đối tượng không nằm trong diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với mức đóng phù hợp điều kiện tài chính để được nhận chế độ hưu trí và tử tuất.

3/ Tham gia bảo hiểm nhân thọ

Bảo hiểm nhân thọ được coi là cách để dành tiền về hưu hiệu quả nhất so với các phương thức khác bởi đây chính là phương án tiết kiệm từ số tiền nhỏ nhưng thực hiện được nhiều mục đích nhất. Đó là dự phòng tài chính cho những lúc ốm đau, nằm viện, tai nạn, thương tật, bệnh hiểm nghèo với chi phí y tế được hỗ trợ tối đa, đồng thời nhận được khoản tiền đủ lớn để an nhàn hưu trí.

Bạn chỉ cần tiết kiệm khoảng 10% thu nhập hàng tháng để đóng phí bảo hiểm đều đặn trong suốt thời hạn hợp đồng hoặc tùy chọn 10 năm, 20 năm để vừa được bảo vệ trước rủi ro vừa tích lũy quỹ hưu trí khi về già. Ngoài ra khi mua kèm các sản phẩm bổ trợ chăm sóc sức khỏe, bạn còn được hỗ trợ chi phí điều trị nội trú, ngoại trú, nha khoa, thai sản.

Thời điểm nhận quyền lợi hưu trí là 55 tuổi với nữ, 60 tuổi với nam và khoảng thời gian nhận quyền lợi hưu trí tối đa là 15 năm hoặc nhận 1 lần tùy vào sản phẩm hoặc  thỏa thuận trên hợp đồng. Ưu việt lớn của cách thức tham gia bảo hiểm nhân thọ là quyền lợi hưu trí được đảm bảo trong suốt hành trình tiết kiệm vì các rủi ro trong cuộc sống đã được bảo hiểm và số tiền hưu trí đủ lớn để đáp ứng nhu cầu dưỡng già của bạn tại thời điểm đó.

Mỗi người có những cách thức để dành tiền khi về hưu khác nhau, có người chọn nhiều cách, có người chỉ theo một cách tùy thuộc vào nhu cầu và điều kiện tài chính. Hãy chủ động xây dựng kế hoạch hưu trí từ bây giờ để an nhàn tuổi già và an tâm tận hưởng cuộc sống

Nguồn TheBank